Nằm cách trung tâm TP.HCM 70 km về phía Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi sẽ đưa du khách trở về với những ngày miền Nam hừng hực lửa đấu tranh chống Mỹ. Du khách không chỉ nhìn thấy mà còn có thể chạm tay vào quá khứ, nơi ấy đã từng có những con người thầm lặng viết nên bao trang sử oai hùng trên quê hương Đất thép thành đồngCủ Chi.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách, liên kết nhau thành một hệ thống chằng chịt, có đủ các khu chức năng như: ăn, ở, hội họp, sinh hoạt, chiến đấu. Hệ thống đường hầm bí mật này đã được đào từ kháng chiến chống Pháp (1948), lúc ấy chỉ có khoảng 17 km. Sau năm 1960, hệ thống này tiếp tục được củng cố, phát triển thêm đến 250 km. Tất cả các công đoạn được làm bằng những dụng cụ thô sơ như: cuốc và chiếc ki khuân đất cộng với ý chí chiến đấu ngoan cường và lòng quyết tâm cao độ của những con người quyết bảo vệ đất này.
Địa đạo có 3 tầng, tầng sâu nhất khoảng từ 8 - 10m với có nhiều nhánh, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Với độ sâu như vậy, lại cộng thêm chất đất khô chắc, địa đạo có thể chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép... Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trong địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm chỉ huy, hầm chữa thương…
Hơn 20 năm xây dựng, địa đạo Củ Chi đã được hoàn thành không phải bằng một kỹ thuật hiện đại mà là từ bàn tay của những con người đất thép quyết giữ gìn từng tấc đất quê hương. Trong đó có những đôi tay của biết bao người mẹ, người chị, người em, vốn chỉ là những con người chân chất giản dị nhưng đã viết nên những trang sử hào hùng biết bao cho dân tộc. Và từ đó, Củ Chi đã là “ngôi nhà” của biết bao lớp lớp chiến sĩ với lối đánh du kích thông minh đã bao phen làm giặc Mỹ kinh hồn bạt vía, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng quê hương.
Hiện nay, khu di tích lịch sử này đã trở thành một khu du lịch hấp dẫn, thu hút hàng ngàn du khách trong nước và nước ngoài tham quan mỗi ngày. Ngoài việc len lỏi vào các đường hầm để cảm nhận được không khí năm xưa, khách du lịch còn được nghe giới thiệu, được xem lại những đoạn phim tư liệu về thời chiến đấu oanh liệt của du kích Củ Chi, được thưởng thức món khoai mì chấm muối mè dân dã mà ngon miệng. Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia môn thể thao bắn súng để thử khả năng tinh nhuệ và chính xác của mình. Và chắc chắn rằng ai cũng cảm thấy thật dễ chịu khi len lỏi vào những cánh rừng trung quân lá xanh ngút ngàn, ngồi đong đưa trên những chiếc võng, hoài niệm một chút về quá khứ, để biết rằng cuộc sống thanh bình ngày hôm nay được đánh đổi biết bao sự hy sinh của những con người năm xưa trên khắp đất nước Việt Nam.